Vinh Quang phát triển Long Nhãn trở thành sản phẩm đặc trưng

“Mỗi xã một sản phẩm” là một chương trình lớn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai trên cả nước. Hiện nay, trên địa bàn huyện Chiêm Hóa, các xã, thị trấn cũng đã lựa chọn cho mình những sản phẩm đặc trưng, gắn với tạo đà phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Các hộ nông dân xã Vinh Quang chế biến long nhãn mang lại nguồn thu nhập đáng kể, tạo nhiều việc làm tại địa phương.

Thực hiện chương trình “mỗi xã một sản phẩm” xã Vinh Quang đã lựa chọn sản phẩm long nhãn trở thành sản phẩm đặc trưng của xã. Cùng với việc tập trung phát triển đa dạng các ngành nghề như sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thì chế biến long nhãn đã được người dân ở xã Vinh Quang duy trì từ hơn 20 năm nay. Hàng năm cứ đến trung tuần tháng 6 đến hết tháng 7 âm lịch là bà con nông dân ở xã Vinh Quang lại bước vào vụ làm long nhãn. Trên các con đường lại nhộn nhịp với những chiếc ô tô tải nhỏ, những chiếc xe máy chất đầy sọt nhãn. Ở Vinh Quang, cây nhãn đem lại lợi ích kinh tế khá cao so với các loại cây trồng khác, các hộ gia đình sau mỗi vụ thu hoạch, chế biến long nhãn thu về hàng chục triệu đồng. Toàn bộ sản phẩm long nhãn sau khi chế biến xong đều được thương buôn về mua tận nhà. Nhiều năm qua, sản phẩm long nhãn đã trở thành một nghề thủ công truyền thống và tạo nguồn thu nhập khá cho người nông dân ở xã Vinh Quang. 

Ngoài việc tập trung thu hoạch nhanh gọn số gốc nhãn của gia đình mình, nhiều hộ gia đình có lò sấy nhãn còn tập trung đi thu mua nhãn tại các vườn của các hộ khác trong thôn và các thôn lân cận về để chế biến long nhãn. Từ đó, tạo thêm một số lượng lớn việc làm cho lực lượng lao động ở địa phương và các xã lân cận, không phân biệt lứa tuổi từ các cháu học sinh đến người già đều có thể tham gia làm long nhãn. Mỗi hộ gia đình có từ 2 đến 3 lò sấy nhãn, do đó thu hút lực lượng lao động khá đông từ 15 đến 20 người mỗi ngày, tùy theo sản phẩm hoàn thành, bình quân một ngày công cũng thu về từ 150.000 đồng đến 300.000 đồng/ người.

Toàn xã Vinh Quang hiện có gần 140 ha nhãn, với hơn 80 lò sấy nhãn. Số diện tích trồng nhãn được phân bổ trên tất cả 16 thôn bản trên địa bàn xã. Trong đó, tập trung lớn diện tích chủ yếu ở các thôn Tiên Hóa 1, Tiên Hóa 2, Liên Nghĩa, Phong Quang, Tiên Quang 1. Vì là giống cây trồng lâu năm nên diện tích trồng nhãn được các hộ gia đình trên địa bàn xã duy trì, phát triển ổn định. Đồng chí Vi Văn An, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang cho biết, xây dựng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là nhiệm vụ trọng tâm gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, do đó, để tăng giá trị của long nhãn Vinh Quang, UBND xã  đã quyết tâm lựa chọn sản phẩm long nhãn làm sản phẩm đặc trưng của xã. Đồng thời triển khai xây dựng Đề án đăng ký và phát triển thương hiệu sản phẩm long nhãn, phối hợp với ngành chức năng của huyện Chiêm Hóa, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn hỗ trợ và triển khai các bước thực hiện.

Dựa trên những điều kiện, thế mạnh đã có được từ nghề chế biến long nhãn, xã Vinh Quang đã và đang tiếp tục duy trì, phát triển tốt loại cây trồng lâu năm này. Tuyên truyền đến bà con trong việc đưa các giống cây con mới vào trồng để duy trì và phát triển để duy trì và phát triển sản phẩm long nhãn một cách bền vững, góp phần nâng cao hơn nữa năng suất, tăng sản lượng chế biến, đem lại nguồn thu ngày càng lớn cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương./.                                                    

Văn Linh – Nguyễn Bình

Tin cùng chuyên mục